Lịch Bóng Đá Đội Tuyển Nam Việt Nam
Ở vòng loại World Cup 1994, đội được dẫn dắt bởi Trần Bình Sự và được xếp vào ở bảng đấu có Triều Tiên, Qatar, Indonesia và Singapore. Việt Nam chỉ thắng được Indonesia ở loạt trận đầu sau đó thua cả bốn trận lượt về, đứng cuối bảng và không vượt qua vòng loại. Lư Đình Tuấn là cầu thủ đầu tiên ghi bàn cho Việt Nam tại vòng loại World Cup. Tiếp đó, Việt Nam mất vé tham dự Asian Cup 1996 khi xếp sau một đội bóng mạnh ở châu Á là Hàn Quốc. Tại vòng loại World Cup 1998, Việt Nam rơi vào bảng đấu với Tajikistan, Turkmenistan và Trung Quốc, nơi đội toàn thua tất cả các trận, qua đó tiếp tục đứng cuối bảng và không vượt qua vòng loại. Đến Asian Cup 2000, đội một lần nữa không thể tiến vào Vòng chung kết vì thua Trung Quốc.
"Thế hệ vàng" với Park Hang-seo (2017–2023)
Park Hang-seo, cựu trợ lý của Guus Hiddink tại FIFA World Cup 2002, được bổ nhiệm làm huấn luyện viên mới của Việt Nam vào ngày 11 tháng 10 năm 2017 sau nỗ lực đàm phán không thành với Sekizuka Takashi; trước đó VFF cũng đã cố gắng liên lạc với HLV người Mỹ Steve Sampson nhưng không có kết quả.[33] Khi mới đến Việt Nam, Park Hang-seo đã bị người Việt Nam chào đón bằng sự hoài nghi, vì ông đang có sự nghiệp khá lận đận ở giải hạng Ba Hàn Quốc.[34]
Trận đấu đầu tiên của ông Park dưới chức danh huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam là ở vòng loại Asian Cup 2019, khi Việt Nam cầm hòa Afghanistan không bàn thắng trên sân nhà vào ngày 14 tháng 11 năm 2017, qua đó giúp đội vượt qua Vòng loại AFC Asian Cup 2019 để có lần đầu tiên tham dự giải đấu kể từ năm 2007.[35] Bất chấp điều đó, ông Park đã bị dư luận chỉ trích vì màn trình diễn kém thuyết phục của toàn đội, dù mới nắm đội được một tuần.[36] Tuy nhiên, thái độ của người hâm mộ thay đổi nhanh chóng sau những kỳ tích vô tiền khoáng hậu của đội tuyển U-23 Việt Nam do chính ông dẫn dắt khi đội lần lượt giành ngôi Á quân giải U-23 châu Á và sau đó đạt vị trí hạng tư Asiad 2018.[37] Cùng với nòng cốt là các cầu thủ U-23 vừa gây tiếng vang ở các giải trẻ châu lục, Park Hang-seo cuối cùng đã đưa đội tuyển Việt Nam đến vinh quang với chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi, giúp Việt Nam có lần thứ hai đăng quang giải đấu lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, đội đã thất bại trước kình địch Thái Lan trong cả hai kỳ AFF Cup sau đó, lần lượt ở các vòng Bán kết và Chung kết.
Việt Nam tham dự AFC Asian Cup 2019 với đội hình trẻ nhất giải; phần lớn gồm những cầu thủ thuộc lứa U-23 vừa vô địch AFF Cup trước đó. Được xếp vào bảng D cùng Iran, Iraq và Yemen, Việt Nam đã thua Iraq 2-3 và Iran 0-2, thắng Yemen 2-0 và đứng thứ ba bảng D, lọt vào Vòng 1/8 với tư cách là một trong 4 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất. Sau đó, đội tuyển đã bất ngờ đánh bại đội nhất bảng A là Jordan trong loạt sút luân lưu sau khi hòa 1-1 trong thời gian thi đấu chính thức, qua đó có lần thứ hai lọt vào tứ kết Asian Cup.[38] Trong trận tứ kết, Việt Nam gặp Nhật Bản và chỉ để thua với tỷ số sát nút 0-1. Những kết quả tích cực này giúp bóng đá Việt Nam bứt phá trên bảng xếp hạng FIFA, khi đội lọt vào top 100 và duy trì được vị trí này xuyên suốt triều đại của ông Park.
Tại Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam rơi vào bảng G cùng với ba đối thủ Đông Nam Á khác là Thái Lan, Malaysia và Indonesia bên cạnh UAE. Với dàn cầu thủ đang đạt độ chín, đội tuyển Việt Nam trải qua một chiến dịch vòng loại World Cup thành công nhất cho đến nay khi kết thúc vòng loại thứ hai với 17 điểm, đứng thứ 2 sau UAE (18 điểm) và lần đầu tiên giành vé vào Vòng loại thứ ba, cũng như được đặc cách vượt qua vòng loại AFC Asian Cup 2023 tại Qatar với tư cách là một trong năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.[39][40]
Tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam nằm ở bảng B cùng với Nhật Bản, Úc, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Oman. Trước những đối thủ hàng đầu châu lục, đội tuyển kết thúc vòng ba với chỉ 1 trận thắng (trước Trung Quốc), 1 trận hòa (trước Nhật Bản) và thua đến 8 trận, giành được 4 điểm và đứng cuối bảng.
Sau khi cùng Việt Nam giành ngôi Á quân AFF Cup 2022, Park Hang-seo đã tuyên bố chia tay đội tuyển Việt Nam sau năm năm gắn bó. Trong năm năm thành công đó, bên cạnh những thành tích ở các giải trẻ, ông giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Tại các giải khu vực Đông Nam Á
Việt Nam tại SEA Games 1991 do Vũ Văn Tư và Nguyễn Kim Hằng dẫn dắt. Đội chỉ giành được một điểm, xếp cuối bảng và bị loại ngay từ vòng bảng sau khi hòa Philippines, thua Indonesia và Malaysia. Lần tập trung dự SEA Games năm đó, do điều kiện ở Nhổn rất thiếu thốn nên sau một tuần, 11 cầu thủ phía Nam (thành viên Quảng Nam - Đà Nẵng, Hải Quan, Cảng Sài Gòn) đồng loạt "đào ngũ".[53] Cũng vì ảnh hưởng bởi sự cố trên, Vũ Văn Tư từ nhiệm sau 7 ngày dẫn dắt. Để lấp chỗ trống, Liên đoàn huy động một số cầu thủ và HLV Thể Công, Nguyễn Sỹ Hiển lên làm nhiệm vụ. Ở kỳ SEA Games 1993, đội bắt đầu trình làng những tài năng trẻ như Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức và giành chiến thắng 1-0 trước Philippines. Tuy nhiên, hai trận thua trước Indonesia và Singapore đã khiến Việt Nam lần thứ hai liên tiếp bị loại ở vòng bảng SEA Games.
Sau hai kỳ SEA Games đầu tiên không thành công, VFF bắt đầu thuê huấn luyện viên ngoại nhằm cải thiện thành tích của đội tuyển, tiên phong với Edson Tavares và sau đó là Karl-Heinz Weigang. Ông Tavares dẫn dắt cả hai đội Việt Nam 1 và Việt Nam 2 đều vào bán kết Cúp Độc Lập, nhưng ông bất ngờ bị thay thế bởi Weigang chỉ sau 42 ngày làm việc. Weigang nhận thấy phần lớn các cầu thủ Việt Nam lúc đó đều có điểm yếu về thể lực cũng như không có kinh nghiệm thi đấu quốc tế nên chính ông đưa ra dự án phát triển cầu thủ Việt. Nhờ quan hệ cá nhân, năm 1995, Weigang đưa cả đội tuyển đi tập huấn tại châu Âu, nơi đội thi đấu hơn 20 trận. Nhờ sự chuẩn bị này, đội đã vượt qua vòng bảng SEA Games cùng năm, sau đó thắng Myanmar ở bán kết, trước khi để thua chủ nhà Thái Lan 0-4 ở chung kết.
Tại SEA Games 1997, đội thua Thái Lan ở bán kết, sau đó đoạt huy chương đồng khi hạ Singapore. Đến SEA Games 1999, đội một lần nữa lọt vào chung kết sau khi vượt qua vòng bảng và thắng Indonesia ở bán kết, nhưng HLV Alfred Riedl cùng Việt Nam tiếp tục nhìn người Thái đoạt huy chương vàng với thất bại 0-2 ở chung kết. Đó là lần cuối bóng đá nam tại SEA Games không giới hạn độ tuổi.
Việt Nam tham dự Tiger Cup ngay trong lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996. Đội khởi đầu bằng trận thắng 3–1 trước Campuchia tại vòng bảng, trước khi bị Lào cầm hòa 1–1 ngay sau đó. Trận đấu gặp Lào đã gây thất vọng đến mức bị nghi vấn "bán độ" khi Nguyễn Hữu Thắng nhận thẻ đỏ trực tiếp; huấn luyện viên Karl-Heinz Weigang thậm chí đã đòi đuổi một nhóm năm cầu thủ có "vấn đề" về nước.[54][55] Sau sự việc, năm cầu thủ này đã được phép tiếp tục thi đấu và cùng đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng, trước khi thua Thái Lan ở bán kết và thắng Indonesia để đoạt huy chương đồng chung cuộc.
Tại Tiger Cup 1998 trên sân nhà – cũng là lần đầu đội đăng cai một giải quốc tế – đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Alfred Riedl đã có màn thể hiện ấn tượng với 3 trận thắng và 1 trận hòa, trong đó có cả trận thắng đậm Thái Lan 3–0 tại bán kết. Tuy nhiên, họ đã phải khuất phục trước Singapore trong trận chung kết nhờ bàn thắng duy nhất bằng lưng của Sasi Kumar. Vòng bảng Tiger Cup hai năm sau đó, Việt Nam đã phục thù thành công khi thắng Singapore, gián tiếp khiến đối thủ này bị loại. Ở trận bán kết gặp Indonesia, Việt Nam đã chơi kiên cường khi hai lần gỡ hòa trong thế bị dẫn trước , trước khi để thua đáng tiếc trong hiệp phụ bởi bàn thắng vàng của Gendut Christiawan ở phút 120. Thất bại này khiến tinh thần của đội tuyển Việt Nam sụp đổ và sau đó thua chóng vánh Malaysia 0–3 ở trận tranh huy chương đồng.
Với những tên tuổi mới như Minh Phương, Tài Em, Văn Quyến, đội đoạt huy chương đồng Tiger Cup 2002 dưới nhiệm kỳ đầu tiên của huấn luyện viên Henrique Calisto. Đến Tiger Cup 2004, đội tuyển của huấn luyện viên Edson Tavares có sự kết hợp của lứa cầu thủ giành huy chương bạc SEA Games 22 như Lê Công Vinh, Phan Thanh Bình cùng các cựu binh, dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Lê Huỳnh Đức và thủ môn Trần Minh Quang. Tuy nhiên, đây lại là giải đấu thất vọng của Việt Nam khi bị loại ngay từ vòng bảng do chỉ xếp thứ ba bảng đấu sau Singapore và Indonesia, trong đó có trận thua Indonesia 0–3 ngay tại Mỹ Đình. Sau giải đấu này, Lê Huỳnh Đức và Trần Minh Quang đã chính thức giã từ đội tuyển quốc gia.
Ở AFF Cup 2007, đội thi đấu dưới sự dẫn dắt của Alfred Riedl, người có lần thứ ba dẫn dắt tuyển Việt Nam. Việt Nam một lần nữa rơi vào bảng đấu có sự hiện diện của Singapore và Indonesia, bên cạnh Lào. Đội vượt qua vòng bảng với vị trí thứ nhì sau Singapore, trước khi để thua Thái Lan với tổng tỷ số 0–2 ở bán kết.
Trước khi AFF Cup 2008 khởi tranh, tuyển Việt Nam dưới nhiệm kỳ thứ hai của Henrique Calisto đang có phong độ kém cỏi khi trải qua 10 trận giao hữu toàn hòa và thua. Trân đấu mở màn thua Thái Lan 0–2 đã khiến Calisto và các cầu thủ chịu nhiều sức ép từ dư luận. Tuy nhiên, đội đã lần lượt đánh bại Malaysia 3–2 và Lào 4–0 để đi tiếp với vị trí nhì bảng. Đối đầu với đương kim vô địch Singapore ở bán kết, Việt Nam hòa tiếc nuối không bàn thắng trên sân nhà nhưng thắng 1–0 trên đất khách nhờ công của Nguyễn Quang Hải, qua đó đưa Việt Nam vào chung kết gặp Thái Lan. Đội đã tạo nên bất ngờ với chiến thắng 2–1 ở lượt đi trên sân khách. Lượt về, đội bị dẫn 0–1 cho đến khi cú đá phạt hàng rào của Nguyễn Minh Phương ở phút bù giờ cuối cùng của hiệp 2 được Lê Công Vinh đánh đầu ngược tung lưới Thái Lan, giúp cho Việt Nam lần đầu lên ngôi vô địch Đông Nam Á.
Đội hình xuất phát của Việt Nam tại trận chung kết lượt về AFF Cup 2008.
. Theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống: Những fan hâm mộ Việt Nam trong chiến thắng của Việt Nam, đội Việt Nam nhận cúp và đội Việt Nam trước trận đấu cuối cùng của trận lượt về.
Tại AFF Cup 2010, các nhà đương kim vô địch rơi vào bảng đấu có Singapore, Philippines và Myanmar. Tuy vượt qua vòng bảng với ngôi đầu, đội đã chơi thiếu thuyết phục khi thua sốc Philippines 0–2 và thắng chật vật Singapore trong thế thiếu người ở 30 phút cuối. Việt Nam đã bị loại ở vòng bán kết bởi Malaysia (đội sau đó lên ngôi vô địch) với tổng tỷ số 0–2, qua đó thất bại trong việc bảo vệ danh hiệu. Đội tuyển sau đó chia tay huấn luyện viên Calisto cùng cặp tiền vệ Minh Phương, Tài Em.
Năm 2012, học hỏi từ thành công của bóng đá Malaysia, VFF đã dùng huấn luyện viên nội Phan Thanh Hùng để chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang rối ren khi một loạt các câu lạc bộ V-League đồng loạt giải thể, Việt Nam kết thúc giải với thành tích tệ nhất trong các lần tham dự giải đấu của mình: bị loại từ vòng bảng với chỉ một điểm kiếm được sau ba trận (hòa Myanmar 1–1, còn lại thua Philippines 0–1 và Thái Lan 1–3). Đội chỉ hơn Myanmar về hiệu số bàn thắng bại nên tránh được vị trí chót bảng, qua đó không phải thi đấu vòng loại giải lần sau.[56]
Trong thời kỳ chuyển giao của đội tuyển ở AFF Cup 2014, huấn luyện viên Toshiya Miura đã sử dụng các nhân tố mới như Trần Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Vũ Minh Tuấn, Ngô Hoàng Thịnh,... Đội chơi ấn tượng và vượt qua vòng bảng với ngôi nhất bảng A, bao gồm trận hòa 2–2 trước Indonesia cùng với các chiến thắng 3–0 trước Lào và 3–1 trước Philippines. Ở vòng bán kết, Việt Nam thắng Malaysia 2–1 trong trận lượt đi tại sân Shah Alam và nắm lợi thế lớn để giành quyền vào chung kết. Tuy nhiên, đến lượt về, đội thi đấu dưới sức đến ngỡ ngàng khi bị dẫn 1–4 chỉ sau hiệp một bởi những sai lầm nghiêm trọng của hàng phòng ngự, trong đó có một quả phạt đền ngay đầu trận do sai sót của Quế Ngọc Hải, một pha ra vòng cấm bất cẩn của thủ môn Trần Nguyên Mạnh để đối phương tâng bóng qua đầu, một bàn phản lưới nhà của Đinh Tiến Thành và tình huống mắc lỗi vị trí của Nguyễn Văn Biển. Nỗ lực trong hiệp hai của Việt Nam chỉ mang lại bàn rút ngắn tỷ số xuống còn 2–4 của Lê Công Vinh, khiến đội bị loại đầy cay đắng với tổng tỷ số 4–5.
Tại AFF Cup 2016, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên nội Nguyễn Hữu Thắng, Việt Nam lần đầu tiên toàn thắng vòng bảng với 9 điểm tuyệt đối, bao gồm các chiến thắng 2–1 trước Myanmar, 1–0 trước Malaysia và 2–1 trước Campuchia. Gặp Indonesia của người cũ Alfred Riedl ở bán kết, đội để thua 1–2 trong trận lượt đi tại sân đối thủ. Ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, Việt Nam thi đấu áp đảo trước đối phương, nhưng lại bị dẫn bàn trước từ pha phá bóng sai kỹ thuật của Trần Đình Đồng để cho Stefano Lilipaly của Indonesia sút vào lưới trống. Trong tình thế khó khăn, đặc biệt là sau tấm thẻ đỏ trực tiếp của Nguyên Mạnh vì lỗi đánh nguội cầu thủ đối phương khi đội đã hết quyền thay người, Việt Nam đã ghi liền hai bàn để vươn lên dẫn 2–1 do công lần lượt của Vũ Văn Thanh và Vũ Minh Tuấn, buộc trận đấu phải bước sang hiệp phụ. Việt Nam thua thêm một bàn trên chấm phạt đền khi hậu vệ Quế Ngọc Hải phải làm thủ môn bất đắc dĩ, và chấp nhận thua chung cuộc 3–4 trước Indonesia. Sau giải đấu, đội tuyển Việt Nam chia tay hai cựu binh cuối cùng từng giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, Lê Công Vinh và Phạm Thành Lương.
Bước vào AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo đã tin dùng những cầu thủ U-23 đã đoạt huy chương bạc U-23 châu Á 2018 và hạng tư ASIAD 2018 như Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh,... cùng các cựu binh như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Trọng Hoàng,...[57] Việt Nam giành được ba chiến thắng trước Lào, Malaysia, Campuchia và một trận hòa với Myanmar, đứng đầu bảng A và lọt vào bán kết. Đội hạ gục Philippines cùng với tỷ số 2–1 qua hai lượt trận để giành quyền vào chung kết AFF Cup lần đầu tiên sau 10 năm và tái ngộ Malaysia. Hai đội hòa nhau 2–2 ở lượt đi trên sân Bukit Jalil, trước khi Anh Đức ghi bàn duy nhất trong trận lượt về trên sân Mỹ Đình để giúp đội thắng chung cuộc 3–2 và có lần thứ hai vô địch AFF Cup.
Đội hình xuất phát của Việt Nam tại trận chung kết lượt về AFF Cup 2018.
Tại AFF Cup 2020 tổ chức tập trung tại Singapore, với việc vừa trải qua sáu trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 trước những đội tuyển hàng đầu châu Á, đoàn quân của HLV Park Hang-seo được kỳ vọng sẽ bảo vệ ngôi vô địch của khu vực. Đội giành được 10 điểm giống Indonesia nhưng xếp nhì bảng vì kém hiệu số bàn thắng bại. Sau đó tại vòng bán kết, Việt Nam đã bị Thái Lan – đội sau đó đã giành ngôi vô địch – hạ gục với tổng tỷ số 0-2. Thất bại này đã đánh dấu lần thứ tám đội tuyển Việt Nam không thể vượt qua được vòng bán kết AFF Cup và trở thành đội bị loại ở bán kết nhiều nhất lịch sử giải đấu.[58]
Tại AFF Cup 2022 – giải đấu cuối cùng của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam thể hiện quyết tâm vô địch để tri ân nhà cầm quân người Hàn Quốc, đặc biệt khi ba trụ cột quan trọng là Đỗ Hùng Dũng, Đặng Văn Lâm và Đoàn Văn Hậu, những người vắng mặt ở giải lần trước, trở lại sau chấn thương. Việt Nam rơi vào bảng đấu có Malaysia, Singapore, Myanmar và Lào, nơi đội giành được ngôi nhất bảng với 10 điểm, ghi được 12 bàn và không thủng lưới bàn nào. Tại vòng bán kết, Việt Nam đã phá dớp 27 năm không thắng trước Indonesia ở AFF Cup bằng chiến thắng chung cuộc 2–0 sau hai lượt trận, để tiến vào chung kết với thành tích giữ sạch lưới trong sáu trận tại giải. Tuy nhiên, đội đã một lần nữa thất bại trước Thái Lan khi hòa 2–2 trên sân Mỹ Đình và thua 0–1 ở trên sân khách. Sau giải đấu này, ông Park Hang-seo đã chia tay đội tuyển Việt Nam.