Đọc truyện Hợp Đồng Hôn Nhân full (đã hoàn thành) của tác giả Phương Linh. Ông mưu tính sẽ gả con mình cho Đàm Gia Lạc, là kẻ đứng đầu trong giới hắc đạo, mặc dù hắn là kẻ máu lạnh vô tình, nhưng khả năng hô phong hoán vũ, thản nhiên và tùy ý tước đoạt sinh mạng của biết bao người khiến ông nhất quyết phải hợp tác với hắn cho bằng được.

Câu chuyện 1: Reluctant Businessman

Nam, tao nghĩ tao cũng giống mày, một doanh nhân bất đắc dĩ (reluctant businessman). Roy, CEO Thoughtwork nói với tôi như vậy khi chúng tôi gặp nhau đầu năm 2008.

ThoughtWorks là một công ty công nghệ hàng đầu thế giới với 42 văn phòng ở 15 nước, và được coi là đại ka trong phong trào phát triển phần mềm kiểu agile, với những sản phẩm như Mingle, Snap CI, Gauge (alternative for Twist), CruiseControl, Selenium…Roy Sheringham là người sáng lập ra ThoughtWorks. Anh mơ ước có văn phòng tại tất cả các nước trong liên hiệp quốc. Và đặc biệt hơn nữa, anh là đảng viên Đảng cộng sản Mỹ.

Năm 2008, con trai anh đủ tuổi trưởng thành, anh dẫn nó sang thăm Việt Nam, và ghé qua FPT Software. Trong chuyến đi, anh viết cho tôi

NamĐây là một tuần thật phức tạp. Tao đã dẫn con trai tao sang đây để chúng tao cùng hiểu hơn về lịch sử và con người Việt nam. Tao vẫn còn thấy kinh tởm tội ác của quân đội Mỹ và ngạc nhiên trước sự khoan dung của người Việt nam. Tao nghĩ rằng sẽ đến ngày Nixon và Kissinger phải bị xử trước tòa án như những tội phạm chiến tranh!Rất vui được gặp và nói chuyện với mày. Thật là ngẫu nhiên là cả tao lẫn mày đều là những doanh nhân bất đắc dĩ. Tao rất muốn đến Việt nam vào ngày 22/12. Cuộc đấu tranh của người Việt nam đã ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tao. Tướng Giáp là một trong những vị lãnh tụ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và thật là vinh dự tột cùng nếu tao được gặp cụ

Và sau đó là cho toàn thể nhân viên của mình:

Gửi tất cả nhân viên TWTuần này, tao và Tôn Hải sang tìm hiểu Việt nam, môi trường kinh tế, tài năng, tình trạng phát triển của công nghiệp phần mềm… để có thể xem xét việc mở văn phòng của TW ở Việt namThật là ngạc nhiên, khi chúng tao tìm được 2 công ty rất thú vị. FPT Software là công ty phần mềm lớn nhất Việt nam, và có một quan điểm cực giống chúng ta về văn hóa của một công ty phần mềm: cởi mở, minh bạch, không câu nệ trên dưới, trọng tài và công bằng. Một công ty nữa là AseNet ở Đà nẵng, cũng rất tích cực truyền bá cho Agile and XP, và đóng góp cho cộng đồng thông qua mã nguồn mở

Thưa anh emChúng ta có một giấc mơ!

Chúng ta mơ rằng một ngày nào đó, người Mỹ sẽ coi trọng cuộc sống của những đứa trẻ Iraq, Việt nam và Palestin như những đứa trẻ của mìnhChúng ta mơ rằng, một ngày nào đó, các bậc phụ huynh Mỹ sẽ dẫn con mình đi thăm Mỹ lai chứ không chỉ Disney LandChúng ta mơ rằng một ngày nào đó, tất cả trẻ em Mỹ sẽ được thăm bảo tàng Diệt chủng tại Oa sinh tơn, tưởng nhớ hơn 3 triệu người Việt nam đã chết trong 20 năm giết chóc tàn bạo, ném bom rải thảm và chất độc da camChúng ta mơ rằng một ngày nào đó Tổng thống Mỹ sẽ kí sắc lệnh đưa Lindon Johnson, Richard Nixon và Henry Kissinger ra toà án quốc tế như những tội phạm chiến tranhChúng ta mơ rằng, một ngày nào đó, tất cả chúng ta cũng sẽ dũng cảm như những người Mỹ anh hùng Hugh Thompson, Lawrence Colburn and Glenn Andreotta (các phi công lái máy bay trực thăng Mỹ) đã hành động để chặn đứng sự điên rồ của các đồng đội và chính phủ của chính mình, để bảo vệ những lí tưởng Mỹ: lẽ phải, công bằng và tự do cho tất cả mọi người!

Quả thật tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình là doanh nhân. Hồi nhỏ, tôi còn rất sợ khi nhiều khi mẹ nhờ sang nhà hàng xóm vay gạo, sau này em trai tôi lớn, tôi toàn đùn cho nó đi. Được sang Liên xô du học, tôi rất ngưỡng mộ những người bạn đồng lứa đã biết bươn chải kiếm tiền. Đến khi tự xin thành lập đơn vị kinh doanh riêng là FSS, mới cảm thấy trách nhiệm đi kiếm đủ tiền trả lương, làm báo cáo cũng có tí danh giá so với các đơn vị khác. (Câu chuyện này đã được nhắc đến trong chương 1)

Câu chuyện ít người biết, là đầu năm 1998, tôi đã nộp đơn xin nghỉ FPT (lúc đó là FSS), vì thấy cần phải ra ngoài để hiểu thế giới hơn. Cũng có chút đau đầu hơi nhẹ, là cả 3 ứng viên thay thế tôi là Kiên, Thành và Lâm Phương đều quá thừa điều kiện nên cũng không có gì phải áy náy.

Sau gần một năm rong ruổi bên ngoài, xin việc 3 nơi đều bị từ chối. Ở “Save The Children” thì họ cần quản trị viên dự án từ thiện chứ không phải phần mềm. Prudential IT thì đúng nghề nhưng lại “quá thừa tiêu chuẩn – overqualify”, cái này hay đây nhe. Lần cuối apply vào P&G thì nó đưa cho 1 file excell chứa chi chít số liệu các cửa hàng, trong 60’ phải đưa ra kết luận cần đóng cửa cửa hàng nó. Khó quá, bỏ cuộc luôn.

Nên ngay từ khi ngồi với anh Bình ở sân bay Bangkok tháng 12/1998 và nhận nhiệm vụ XKPM, tôi đã biết là rồi mình sẽ cần dừng bước để cho các bạn phía sau mạnh mẽ hơn, khát vọng hơn, tiến lên.

Cuối năm 2004, sau 5 năm, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện ai sẽ thay thế mình. Trong 2 người làm phó của tôi thì anh Hùng Râu không bao giờ có nhu cầu làm trưởng. Và thực tế là năm 2007, anh đã xin nghỉ hưu để hoàn thành giấc mơ thời thơ ấu của mình là tự học tiếng Tàu để có thể đọc Tam Quốc bản gốc

Còn Lâm Phương, đã bao nhiêu năm làm phó, liệu có cơ hội nào cho anh được đứng mũi chịu sào và tự tin hơn. Rất may là đầu năm 2006, chúng tôi thắng thầu dự án Petronas. Tôi đã đề nghị P làm quản trị dự án. Và anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất khó này.

Xa hơn nữa, đội ngũ các Group Leaders những người đang thực sự dẫn dắt kinh doanh. Giám đốc các chi nhánh HCM, Đà Nẵng. Giám đốc các chi nhánh nước ngoài Japan, US, APAC, EU. Có vẻ như không thiếu tài năng sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt Fsoft.

Kết thúc năm 2007, Fsoft đạt mức lãi vượt $10m, dù còn rất xa còn số dự kiến ban đầu, anh NgocBQ nói với tôi: giờ anh mới tin là làm phần mềm có thể kiếm được tiền. Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu lan rộng, Fsoft tiến hành chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm, và tôi bắt tay vào chuản bị “thay người”:

– Phan Phương Đạt hệ thống lại mô hình tổ chức trong bài Vạn lý lập trình ty, trình bày ở ME Tam đảo– Mở chi nhánh FEU tại Paris 13/6/2008– Mở chi nhánh FAUST (Australia) và FUSA 2.0 cùng ngày 13/10/2008

Tôi và Đạt đã cùng đi Singapore dự một khóa học 3 ngày về “Succession Planning – Lập kế hoạch kế thừa”. Khóa học này đã khẳng định sự đúng đắn của chúng tôi khi đã chuẩn bị cả một thế hệ kế thừa. Lý thuyết quản trị hiện đại đòi hỏi mỗi vị trí, kể cả người đứng đầu đều phải có rất nhiều ứng cử viên xứng đáng. Tuy nhiên việc lựa chọn cụ thể ứng cử viên nào sẽ phụ thuộc vào thời điểm cụ thể.

Tôi đã thông báo cho HĐQT FPT về việc sẽ xin nghỉ vào cuối năm. Nhưng có vẻ như không ai tin. Mọi việc đang quá thuận lợi.Tháng 10/2008, trong cuộc họp BOM của Fsoft, tôi đã đưa ra thảo luận về ứng cử viên thay thế và đề nghị khảo sát trong các managers.Em NgocPM nhân sự hoảng hốt báo cáo: anh ơi, các anh chị không đồng ý để anh nghỉ đâu. Có người còn bảo anh nghỉ thì họ cũng sẽ nghỉ. Tôi động viên: yên tâm đi em, mới là survey mà. Nếu chỉ vì anh mà mọi người ở lại thì cái sự nghiệp Fsoft này quá vớ vẩn.

Trong cả một thế hệ “tiếp nối” lúc đó, tôi đã chọn một người bạn cũ, Bùi Hồng Liên, giám đốc FJP. Lý do thì khá đơn giản:

1/ Đa số các khách hàng quan trọng nhất của Fsoft lúc đó là Nhật. Mà đối với người Nhật sự kế thừa là rất quan trọng. Họ đã tin cậy Liên và họ sẽ yên tâm. Để hiểu điều đó, có thể tham khảo những gì Liên viết trong sử ký khi lần đầu tiên phải đi tiếp khách Nhật:“Không biết là ai đánh giá ai, nhưng tôi đã phải chui vào toilet mấy lần để uống thêm rất nhiều nước lã làm hòa tan lượng cồn trong người để có thể tiếp tục chiến đấu với đội bạn. Từ rest – room ra, tôi đã phải rất tự chủ để có thể đi lại cân bằng trên đôi giầy cao 5 phân rất đáng ghét lúc này. Chỉ một tí nữa là tôi đã bị sàn nhà trơn tuột làm lộ tẩy hết cả vẻ thản nhiên của mình. Chắc chắn hôm đầu tiên mà để sa sẩy thì chẳng còn làm ăn được gì trên đất bạn nữa. Cuối cùng thì đội bạn vẫn say hơn tôi nên không nhận biết được tôi cũng đã đến ngưỡng. Đang lo sốt vó không biết có tầu về lúc 12 giờ đêm nữa hay không thì đội bạn đã gọi taxi cho tôi về ký túc xá của AOTS ở Yokohama. Đi mất 30 phút, khách hàng trả mất 5000yên. Sau này tôi còn rất nhiều kỷ niệm về những lần đi ăn uống của mình và trở về ký túc xá trên những chuyến tầu cuối cùng lúc nửa đêm. Trở nên nổi tiếng là người hay rượu ở HSK nhưng thực ra đó chỉ là một cách để phụ nữ có thể thâm nhập được vào thế giới kinh doanh của đàn ông”

2/ Liên đã trải qua khá nhiều vị trí. Độc lập giữ trận ở Findia. Quản lý dự án và nhân sự với tư cách giám đốc G8 và trực tiếp phát triển kinh doanh với tư cách Giám đốc Fjapan

3/ Hơi chủ quan một chút, nhưng tôi cho rằng khủng hoảng đang đến, giữ trận quan trọng hơn là phát triển, và phụ nữ sẽ có ưu thế hơn.

Tháng 11, anh Ngọc thông báo cho HĐQT FPT: Fsoft đã bắt đầu khảo sát tìm người thay thế Nam. Chúng ta cần phải có quyết định rõ ràng để tránh bị bất ngờ.

Câu chuyện 3: bước ngoặt bất ngờ

Khi nghĩ đến chuyện nghỉ, qua thực tôi cũng chưa nghĩ là sẽ làm gì. Mình cứ đứng lên cái đã, rồi tính sau. Có thể là đi dạy sinh viên tôi cũng thích.

Cuối tháng 11, anh Bình hẹn tôi lên nói chuyện. Và đưa ra một đề nghị “bất ngờ”: tôi sẽ thay anh làm TGĐ FPT.

Sở dĩ nói bất ngờ vì anh Bình đã chuẩn bị cho việc này từ lâu và kế hoạch hoàn toàn khác. Từ cuối năm 2006, sau thành công rực rỡ của cú IPO, làm cho hàng trăm nhân viên FPT qua đêm bỗng trở thành triệu phú đô la, anh Bình đã bắt đầu nói về việc “chuyển giao thế hệ”. Là một người mê lý thuyết, anh đã nghiên cứu và đặc biệt thích mô hình Nga khi đưa Putin lên và truyền thống thay người của Tàu

Anh Bình định nghĩa thế hệ 1 là những người tham gia sáng lập FPT và lúc đó đang là thành viên HĐQT. Thế hệ 2 là những người tham gia FPT vào đầu những năm 1990, có 3 nhân vật chính1- Nguyễn Điệp Tùng, CFO, tay hòm chìa khóa, hoạch định và thực hiện các chính sách tài chính của FPT thay anh Lê Quang Tiến chuyển sang ngân hàng.2- Trương Đình Anh, giám đốc Ftel đang phát triển mạnh mẽ nhờ Internet và VnExpress3- Hoàng Nam Tiến, giám đốc FDC, nhân vật chính trong chiến dịch doanh thu tỷ đô vào năm 2008Và một số danh sách dự bị như Nguyễn Lâm Phương, phó giám đốc Fsoft, Nguyễn Khắc Thành, giám đốc Aptech Hanoi, Trần Quốc Hoài, giám đốc FMB, “con buôn” có bài bản đầu tiên của FPT, Chu Thanh Hà, phó giám đốc Ftel.

Cuối năm 2007, trong một buổi họp giao ban, anh Bình đã công bố mở rộng Ban Tổng giám đốc lúc đó đang gồm có 4 thành viên là TienLQ, ChauHM và NgocBQ thành 7 người, thêm TienHN, TungND và AnhTD. Ý đồ của anh là thế hệ 1 sẽ “bay kèm” thế hệ 2 để chuẩn bị cho việc chuyển giao. Rất bất ngờ là cả ba ứng viên mới đã từ chối với lý do là đang quá bận với công việc hiện tại. Riêng Đình Anh với tính cách thẳng thắn có gì nói đấy (đôi khi rất sốc ruột người nghe), phát biểu: em đang cầm đầu một cõi giờ tội gì “bó gối” lên triều đình.

Sau vụ đó, rồi tiếp đến là việc FPT thành lập khối SBCL (Securities, Bank, Capital Investment, Land). TungND xung phong thành lập FPT Securities, TienHN chuyển sang FPT Land, sát nhập FMB vào FDC thành FTG… tôi đã tưởng anh Bình đã từ bỏ kế hoạch chuyển giao thế hệ.

Tuy nhiên khi anh nói: em có thể coi là thế hệ 1.5, thì tôi hiểu là anh muốn phải “chuyển giao” bằng được theo kế hoạch của mình, mặc dù quả thật cũng không hiểu rõ lắm thế hệ 1.5 của mình gồm những ai.

Tuy bất ngờ, nhưng phải nói thật là đề nghị cũng khá hấp dẫn. Ai mà chẳng mơ có ngày lên tướng. Sau 2 tuần cân nhắc, tôi đã nhận lời. Ngày 18/12/2008, HDQT FPT phê duyệt tôi miễn nhiệm chức TGĐ FPT Software, bổ nhiệm làm TGĐ FPT và bổ nhiệm LienBH làm TGĐ FPTSoftware. Bác Ogawa, cựu CEO của Hitachi Software, khách hàng trung thành của chúng tôi, giờ đã nghỉ hưu, cũng nhận lời làm giám đốc FJP. Tôi vẫn giữ chức chủ tịch Fsoft, nhưng bác Ogawa khuyên: đừng bao giờ dự họp cùng cái Liên, để yên cho nó làm việc. Thật là một lời khuyên chí lý

Với sự giúp đỡ của Lê Đình Lộc, tôi đã viết diễn văn nhậm chức mới khá tâm huyết: “Hãy tìm đường mới để tiến lên – We seek new way forward”, có đoạn như sau:

“Bố mẹ sinh ra tôi, nhà nước cho tôi đi học, FPT là nơi tôi đã trưởng thành. Tại đây, tôi đã có may mắn được thụ giáo và được sự chỉ bảo thậm chí mắng mỏ của rất nhiều người, khách hàng và bạn bè đồng nghiệp, nổi tiếng và vô danh, ruột thịt và xa lạ, Việt Nam cũng như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật.Tôi xin được cám ơn tất cả.Chúng ta chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta là chính mình, hành động theo những gì mà chúng ta cảm thấy tự nhiên, hòa hợp với sự vận động của môi trường xung quanh.Công ty cũng vậy.

Tôi tin chắc một điều là nếu FPT muốn thành công, thì yếu tố công ty xuất phát từ Việt Nam phải là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta phải hiểu chính chúng ta và nhân viên của chúng ta, phải có một tham vọng đủ để thuyết phục bản thân mình và xã hội của mình, phải có khát vọng lớn lên cùng dân Việt, mới đủ tự tin để giao tiếp và tìm hiểu. Mới có cửa thắng trong cuộc chơi toàn cầu. Để choMuôn thu sau lưu tiếng anh hàoNgười dân Việt lắm chí cao.

Nhiều người biết tôi đều hỏi, tại sao tôi lại nhận nhiệm vụ này. Họ thấy không hợp với tính cách của tôi!Quê hương lúc nào rồi cũng phải về.—

Tôi bắt tay vào việc xây dựng một “thế hệ lãnh đạo mới”, bằng cách mời Phan Đức Trung về làm CFO, Lê Trung Thành, một ngôi sao của làng marketing về làm CMO, trong chiến dịch đưa phần cứng “cái ấy – điện thoại, máy tính bảng” của FPT đến với dân chúng, bổ nhiệm phó tổng giám đốc trẻ măng Nguyễn Thế Phương và quan trọng nhất là mời được Đình Anh làm Phó TGĐ thường trực.Tại sao Đình Anh không nhận làm phó cho anh Bình mà lại chịu làm phó cho tôi? Có lẽ anh đã biết rằng tôi sẽ không tại vị lâu và anh sẽ có cơ hội.

Ngày 18/1/2011, HĐQT đúng 2 năm sau, HĐQT FPT đã miễn nhiệm tôi và bổ nhiệm Đình Anh làm Tổng giám đốc tiếp theo của FPT. Và tôi đã gửi lời cám ơn đến Đình Anh và tất cả những người đã ủng hộ mình trong nhiệm kỳ ngắn ngủi đó:“Kính gửi các bạn FPTer!Tôi đã chính thức xin phép HĐQT từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc FPT và được chấp nhận như một phần của lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn.Dù là một việc trong kế hoạch, nhưng đây vẫn là một quyết định khó khăn. Tuy vậy tôi tin chắc quyết định này là phù hợp với lợi ích của Tập đoàn cũng như nguyện vọng của cá nhân tôi.

Rất cám ơn tất cả đã cho tôi một cơ hội ngồi vào chiếc “ghế nóng” bậc nhất trong làng công nghệ thông tin và viễn thông tại Việt nam. Tôi đã hiểu và yêu FPT hơn rất nhiều sau gần 2 năm làm việc. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, FPT đang là nơi tập hợp những cán bộ ưu tú của tri thức Việt nam, và đang có những cơ hội tốt nhất để xây dựng một thương hiệu có tầm vóc toàn cầu xuất phát từ Việt nam!Chúng ta đã phê duyệt chiến lược ONE FPT.Chúng ta đã bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ trung, đầy khao khát.Chúng ta đã mạnh dạn thay đổi hình ảnh thương hiệu, để sẵn sàng tiếp nguồn sinh khí mới.Tôi tự hào đã đóng góp một phần sức mình vào sự thay đổi đó.

Nhưng con đường thiên lý nào cũng cần có những đoạn dừng chân. Để ngẫm nghĩ và đi tiếp. Bây giờ là lúc như vậy. Bây giờ là lúc FPT cần có những thay đổi quyết liệt trong việc:– Triển khai các dự án công nghệ,– Cải cách chế độ đãi ngộ,– Tuân thủ kỷ luật kinh doanhđể từ GOOD trở thành GREAT company.

Tôi nhớ một ngày cuối năm 1992, có một thanh niên trẻ măng đến đứng trước cổng nhà tôi gọi toáng lên: a Nam ơi, em xin sang FPT. Em tin là nếu là lập trình viên thì phải ở FPT mới có cơ hội để phát triển. Đó là Đình Anh, một lập trình viên sẵn sàng bỏ ngang việc học hành, khi đó đang có một công việc rất tốt, thách thức và thu nhập cao tại một ngân hàng lớn. Nhưng anh hiểu rằng muốn sống với giấc mơ công nghệ của mình, phải sang FPT.

Tôi với Đình Anh có quá nhiều kỷ niệm khi cùng nhau xây dựng mạng Trí tuệ Việt nam, giận nhau trong giai đoạn đầu phát triển xuất khẩu phần mềm, cãi nhau về vai trò của Tổng hội, hay cùng ngẫu hứng với những cơ hội to lớn của FPT trong hơn một năm cùng ở Ban tổng giám đốc.

Đình Anh là người dám sống với ước mơ của mình và tôi tin hiện tại là người tốt nhất để cùng chúng ta thực hiện ước mơ FPT.Tại một thị trấn nhỏ có tên là Montville, ở phía đông bắc nước Úc, cô gái bán hàng xinh xắn hỏi tôi: anh từ Việt nam sang à? Sao em biết? Vì em thấy áo anh có logo 3 ngọn lửa, logo của FPT.Tim tôi bỗng như đập nhanh lên, thấy mình giống các FPT Small thường reo lên khi thấy 3 màu quen thuộc: ah, công ty của bố, của mẹTôi cám ơn cô gái có tên là Courtney và mua cho con gái một cái hanging board:“Don’t hold the dreams, live them!”

Xin cám ơn mọi người đã hết lòng giúp đỡ tôi trong thời gian vừa qua—Ngày 16/10/2011, tôi chính thức không giữ bất cứ chức vụ nào ở Fsoft nữa. Bùi Hồng Liên cũng xin từ chức. HĐQT đã bổ nhiệm Hoàng Nam Tiến thay tôi làm chủ tịch Fsoft và Nguyễn Thành Lâm thay Liên làm TGĐ Fsoft. Bác Ogawa, khi được tôi thông báo, đã mail cho tôi: “Tao hiểu, đã đến lúc những người lính già nhường chỗ cho lớp trẻ” và cũng xin từ chức. Trần Xuân Khôi, GL G21, được bổ nhiệm làm giám đốc tiếp theo của Fsoft Japan. Tháng 6/2012, Nguyễn Lâm Phương rời Fsoft, được bổ nhiệm làm CTO của toàn tập đoàn. Lê Hồng Việt lên thay thế anh.

Việc chuyển giao toàn bộ bộ máy lãnh đạo Fsoft được hoàn tất.

Như đã nói ở chương 14, tôi làm trưởng ban xây dựng ở Fsoft, nhưng thực chất chỉ là chọn thiết kế và bảo kê. Còn lại các anh em làm cả. Nên khá rảnh rỗi thời gian. Và tôi đã có 2 chuyến đi thực sự thay đổi cuộc đời:

1/ Trường SaLà chuyến đi mà bạn tôi, Ngô Huy Thọ “đại úy”, đã thuyết phục chúng tôi đứng ra tổ chức cho đoàn doanh nghiệp đi thăm Trường Sa từ khi tôi còn đương chức TGĐ FPT. Giờ thì đã đến lúc thực hiện nó.

Quần đảo Trường sa diện tích 400.000 cây số vuông nhưng tổng diện tích mặt đảo chỉ có khoảng 3km vuông. Phần Việt nam gồm có 9 đảo nổi, 12 đảo đá chìm và 6 bãi đá ngầm. Đảo nổi thì to nhất là đảo Trường sa lớn rộng khoảng 18ha, còn lại chỉ khoảng 3-4ha. Đất chủ yếu là mùn san hô và phân chim. Chỉ có các loại cây như mù u, bàng vuông, phong ba mọc. Đảo chìm thường thấp dưới nước khoảng 2-3m. thì khi thủy triều xuống mới thấy nhấp nhô mỏm đá. Hải quân chỉ có thể đổ bê tông, xây một khối nhà, khoảng 150-200m2. Trên các bãi đá ngầm với độ sâu từ 20-200m, từ năm 1989, ta đã cho xây 20 nhà giàn. 5 chiếc đã bị đổ, còn lại 15 chiếc. Nhà giàn bản chất là 4 cọc thép cắm sâu xuống nước khoảng 20m đỡ lấy một căn nhà như tổ chim trên độ cao 15m (để tránh sóng). Chủ yếu để khẳng định chủ quyền.

Ngoài ta còn có Trung quốc, Phi, Mã và Đài loan chiếm giữ các đảo. Bruney ko chiếm được đảo nào nhưng cũng lớn tiếng đòi chủ quyền.

Trong bối cảnh nước bạn chuyển chính sách từ Nam Hòa sang Nam TiếnTrong bối cảnh mà hàng ngày có từ 250-300 tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đông (vượt cả Địa Trung Hải và kênh Panama)Trong bối cảnh LHQ đánh giá tiềm năng cá và hải sản ở Biển Đông là phong phú nhất thế giới.Trong bối cảnh chúng ta đã phá tan gần hết “rừng vàng” mà phải đợi nhiều trăm năm nữa mới có thể khôi phục được.

Thì Việt nam chắc không còn con đường nào khác là phải đối diện với biển cả mênh mông và đầy bất trắc! Và bán đảo Cam Ranh thơ mộng, hai bề giáp biển, có núi che, có cảng nước sâu, sân bay, hệ thống kho bãi, lại ở vào vị trí trung tâm địa lý của Biển Đông, bỗng chiếm một vị trí nổi bật. Chính vì vậy mà Bộ tư lệnh hải quân đã tha thiết mời đoàn doanh nghiệp chúng tôi qua thăm căn cứ Cam Ranh trước khi lên đường đi Trường Sa.

Đúng 8h10 sáng, ngày 21/4/2011, tàu HQ936 kéo 3 hồi còi giã bến. Toàn bộ ban giam đốc cảng và các sĩ quan đồng phục trắng đứng nghiêm chào trên cầu cảng. Các tàu đang neo tại quân cảng Cát Lái đồng thời rúc còi chia tay chuyến tàu đặc biệt chở các doanh nhân nhưng chưa bao giờ thực sự phải trải qua gian khó ra nơi tận cùng của đất nước: quần đảo Trường Sa!

Đại tá Nguyễn Văn Nghiêm, tổng giám đốc công ty Tân Cảng, cũng là trưởng đoàn của chúng tôi phát biểu:

Từ hôm nay, các đồng chí hãy tạm thời gác những toan tính làm ăn, để trải nghiệm với đại dương mênh mông và những người lính đảo sóng gió. Chuyến đi của các đồng chí sẽ khích lệ các anh em ở đảo. Nhưng chuyến đi này, trên hết sẽ là nguồn động viên cho chính các đồng chí trong cuộc sống tương lai.

Và anh Nghiêm đã nói đúng. 10 ngày sóng gió cùng hải quân, đến những điểm tận cùng của đất nước trên đại dương mênh mông vẫn còn là nguồn động viên cho tôi cho đến tận hôm nay.

Ngày 2/9/2011, HĐQT FPT phê duyệt chính sách “Second homeland”, xây dựng một mô hình FPT thứ hai trên một đất nước khác. Địa điểm đầu tiên được chọn là Nigeria, nhờ sự môi giới và ủng hộ tuyệt đối của bác Tunde, đại sứ Nigeria tại Việt Nam. Tôi xung phong làm chủ nhiệm dự án.

Và Lagos, thành phố gần 20 triệu dân, thành phố cảng lớn nhất châu Phi, được dựng lên trên những đầm phá của vịnh Benin. (Chữ lagos tiếng Bồ có nghĩa là phá, nơi biển ăn vào đất liền, như lagoon trong tiếng Anh), bỗng dưng nhộn nhịp vào mấy tháng cuối năm 2011. Trên những chuyến bay của Qatar Airways đến Lagos bắt đầu thấy có giọng Việt nam.

Thời điểm cao nhất, FPT có 33 cán bộ từ tất cả các bộ phận: Fsoft, FIS, FU, Ftel, FTG làm việc tại Lagos và Abuja. Tuy dự án thất bại, chúng tôi phải rút quân về. Nhưng ngày tháng theo tiếng gọi “hết ngày dài lại đến đêm thâu, chúng tôi đi trên đất Phi Châu” đã giúp tôi định vị mình rõ hơn trong thế giới loài người hỗn mang này.Tôi đã dịch ra tiếng Việt một cuốn sách của nhà văn Nigeria nổi tiếng Chinua Achebe có tên là “Things fall apart” để đánh dấu những ngày tháng không quên đó. Tôi đã viết trong lời mở đầu cuốn sách đó thế này:

“Thứ bảy, ngày 7/7/2012, lần đầu tiên từ ngày 17/11/2011, không còn một nhân viên FPTer nào bám trụ tại lục địa đen bí hiểm và hấp dẫn. Cuộc phiêu lưu của tôi và phần nào nữa của FPT đã đến điểm dừng!Tôi là người khởi xướng cuộc phiêu lưu này. Và tôi chịu trách nhiệm cá nhân về tất cả những gì đã xảy ra.Những cảm xúc, những niềm vui, nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt là tình cảm với những chàng trai, cô gái đã tin theo tiếng gọi của tuổi trẻ. Yêu thương và hối hận vì đã chưa mang lại cho các bạn ấy một niềm tin trọn vẹn.Tôi đã rất cố gắng, FPT đã rất cố gắng, các bạn trẻ đã rất cố gắng. Nhưng từng đó chưa đủ để lấp đầy khoảng cách về sự nghi ngại, để vượt qua nỗi sợ hãi, và để thực sự hiểu được suy nghĩ của các đối tác. Việc kinh doanh có thể chưa như ý, nhưng trải nghiệm thật là vô giá. Bởi thế, tôi vẫn lạc quan và tin vào việc lá cờ 3 màu của FPT chắc chắn sẽ phải tung bay tại châu Phi.

Trong những phút khó khăn nhất của cuộc phiêu lưu này, tôi đã may mắn được đọc tác phẩm kinh điển của Chinua Achebe “Things fall apart”. Một cuốn sách thật cô đọng, nhưng cũng thật mênh mang về triết lý sống của những bộ lạc người châu Phi, về bi kịch khi niềm tin bị sụp đổ trong cú va chạm với văn hóa châu Âu.Cuốn sách đơn giản như con người da đen hiền hòa, mà cũng vĩ đại như những cánh rừng già Phi Châu. Văn của Achebe đẹp như lời hát trong các bản trường ca, tưởng như ngây ngô mà huyền bí. Chuyện của Achebe sáng như cánh đồng cỏ cháy trong nắng chiều, hùng tráng mà bi thương.

Tôi đã quyết định dành thời gian để dịch cuốn sách này sang tiếng Việt. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt cảm xúc đó vào trong bản dịch của mình, dù biết rằng, có thể đó chỉ là một ước mơ vô vọng!Dành tặng cho tất cả những ai đã đi châu Phi cùng tôi!“Rất hay là trong đội quân “trở về” từ Lagos, có một bạn trẻ đã quay trở lại một mình, không phải dưới tư cách FPT. Bạn ấy đã xây dựng được sự nghiệp cho gia đình nhỏ của mình, và luôn sẵn lòng giúp những “chiến sĩ” mới muốn khai phá châu Phi. Bạn đó tên là Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên cũ của FPT IS.

Sau khi về Việt Nam, tôi đã dành thời gian suy nghĩ rất nhiều về những bước tiếp theo của mình. Ngày 17/08/2012, tôi đã nhận lời anh Tùng sang Đại học FPT, để lại hẳn đằng sau một chương vô cùng đáng nhớ của cuộc đời mình.

Vui vui tí, là sau một loạt những thay đổi “bất ngờ” và “ầm ĩ”, anh Bình có mail cho tôi cám ơn là đã quản trị quá trình thay đổi đó một cách êm thầm, không ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn. Đó chính là bài học: Change Management mà chúng tôi đã học được trong dự án Petronas được nhắc đến trong chương 11.Thực ra khá đơn giản1/ Phải lên kế hoạch trước về thời gian2/ Phải xác định được những stake holders, tức là những người có thể bị ảnh hưởng bởi những quyết định đó và giải thích, có thể khác nhau về hình thức nhưng nhất quán về nội dung cho các đối tượng đó về lý do thay đổi.3/ Phải có thông điệp rõ ràng về kế hoạch tương lai

Và cuối cùng quan trọng nhất và cũng khó nhất là kiểm soát được nguồn tin. Hãy quên việc chặn tin đồn đi, vì tin đồn chắc chắn sẽ có. Tuy nhiên những tin đồn từ nguồn cá nhân sẽ khó được lan tỏa nếu không có cơ quan truyền thông chính thống tiếp sức. Và cách tốt nhất là chủ động cung cấp thông tin cho họ. Trong thời gian tôi làm TGĐ, các phóng viên đều nhận được bản tin hàng tuần từ FPT. Hàng quí họ được mời đến dự báo cáo với nhà đầu tư. Mỗi năm 2 lần, dịp 21/6 và cuối năm, các Tổng biên tập được mời riêng gặp lãnh đạo các cấp, muốn khai thác tin gì cũng được. Nên chúng tôi có được sự tin cậy của anh em media. Tôi đã gọi điện cho TBT VnExpress (là anh Thắng người nhà), VietnamNet (là anh Nguyễn Anh Tuấn, chỗ bạn bè) và Dân Trí (chỗ chú Hoàn, đã cùng nhau tổ chức cuộc thi TTVN), nhờ mọi người chỉ đăng tin từ nguồn FPT, chúng tôi bảo đảm cung cấp kịp thời.

Việc “đứng lên” của chúng tôi, hóa ra là rất đúng lúc. Fsoft sau đó phát triển một cách thần kỳ, sẽ được miêu tả tiếp trong các chương sau.

Bản thân tôi, khi bước ra ngoài Fsoft, và sau này là ra khỏi hẳn FPT, mới có dịp dừng lại quan sát và suy ngẫm, để thực sự hiểu những điều mình đã làm, đúng là quá sức tưởng tượng, nhưng cũng thật là nhỏ bé so với những gì mà hàng triệu người Việt Nam đang chung tay xây dựng đất nước tươi đẹp hơn.

Câu hỏi thảo luậnNgoài ý muốn chủ quan của những người trong cuộc, thì liệu điều kiện cạnh tranh khách quan có phải là yếu tố quan trọng trong việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo?