Thứ tư, 28/04/2021 10:19 (GMT+7)

Chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sau khi điều chỉnh quy mô dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi vẫn ngang nhiên thi công xây dựng.

Khách hàng cần quan tâm đến "tuổi thọ" của dự án Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đưa tin về Dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình do Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Kim Bôi làm chủ đầu tư. Dự án đang quảng cáo rầm rộ với tên thương mại là Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, nhưng thực chất tiến độ của dự án chỉ đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa do “đắp chiếu” cả thập kỷ nay.

Được biết, dự án được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh số 25103000002 ngày 08/01/2008, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 25/6/2009.

Ngày 15/01/2008, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 73/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty Xây dựng Trường Giang thuê đất để xây dựng Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi.

Mặc dù dự án được cấp phép đầu tư từ năm 2008, được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Quy hoạch 1/500 từ năm 2009 tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. Dự án bị chậm tiến độ cả một thập kỷ như vậy không những không bị thu hồi mà còn được UBND tỉnh Hòa Bình điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 mở rộng và xây mới nhiều hạng mục. Thể hiện tại Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình.

Như vậy có nghĩa là dự án đã được xây dựng từ năm 2008 và thông thường chỉ có thời gian hoạt động 50 năm. Chính vì thế trước những thông tin quảng cáo và rao bán rầm rộ các sản phẩm của dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi với tên thương mại là Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi thì khách hàng nên cẩn trọng và lưu tâm đến tuổi thọ của dự án.

Dự án chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với một dự án sau khi được điều chỉnh thay đổi về quy mô thì chủ đầu tư cần phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp. Và đối với dự án Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi cũng không phải là ngoại lệ.

Theo đó, thể hiện tại công văn số 4033/SXD-QLXD của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày 16/12/2020 gửi Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Kim Bôi về việc thông báo kết quả thẩm định điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công hạng mục khách sạn cải tạo thuộc dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi tại xóm Mớ Đá, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có nêu rõ: "Đề nghị chủ đầu tư cần lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định".

Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao Công ty cổ phần thương mại và du lịch Kim Bôi lại cố tình bỏ quên thủ tục pháp lý vô cùng quan trọng này để bảo vệ môi trường và vẫn ngang nhiên thi công dự án.

Dự án đang được chủ đầu tư tiến hành thi công, xây dựng.

Theo thông tin mà phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam có được từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình thì hiện nay chủ đầu tư dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi chưa nộp hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đến cơ quan chức năng để thẩm định và phê duyệt sau khi được điều chỉnh về quy mô tại Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình.

Chủ đầu tư dự án chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được điều chỉnh về quy mô dự án.

Trao đổi với phóng viên, những người dân xóm Mớ Đá, thị trấn Bo vui vẻ chia sẻ: Dự án bỏ hoang lâu rồi nay thấy xây dựng trở lại nên cũng vui mừng vì nếu dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho người dân chúng tôi.

Qua đó có thể thấy người dân nơi đây cũng đang rất hy vọng vào sự “sống lại” của dự án sau nhiều năm “đắp chiếu” trơ gan cùng tuế nguyệt. Thế nhưng có ai ngờ rằng đằng sau sự hy vọng đó của người dân nơi đây lại là sự thất vọng rất lớn khi chủ đầu tư dự án ngang nhiên thi công xây dựng dự án mà không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Như thế chẳng khác nào phá hoại môi trường. Trách nhiện này thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình và các Sở, ngành chức năng liên quan bởi không thể đánh đổi môi trường lấy dự án.

Và còn đối với khách hàng, những nhà đầu tư thì cũng nên cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo hấp dẫn về dự án. Đặc biệt cần phải nắm rõ được thời gian hoạt động của dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi với tên thương mại là Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin....

Bãi rác tại ngã ba Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông) thường xuyên xuất hiện những cột khói cao bốc mùi khét, độc hại do đốt ni lông, giày da, đồ cũ hỏng… Cư dân Chung cư Season Avenue, Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) cũng liên tục phản ánh việc đốt rác ở khu vực Ao Ngòi - Cầu Trại thuộc phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Anh Nguyễn Văn Tuyên, cư dân Chung cư Season Avenue, cho biết: “Tình trạng đốt rác diễn ra liên tục, cứ khi nào rác đầy là họ đốt. Có lần họ đốt cả những thùng xốp, tải dứa, đồ nhựa khiến khói bốc lên cao”.

Tình trạng này cũng kéo dài từ vài năm nay tại đường Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm). Tại đây có bãi đất trống vốn là nơi tập kết rác nên tình trạng đốt rác, cây khô, củi mục diễn ra bất kể ngày đêm… Theo ghi nhận của phóng viên vào trưa 30-11, một người đàn ông đi xe máy đến và bắt đầu thu gom cành cây khô, củi mục, chăn ga, đệm cũ… để đốt. Những làn khói bốc cao, ngọn lửa to dần, khói độc hại bốc cao, bay mùi rất khó chịu.

Cũng tại quận Nam Từ Liêm, người dân sống tại đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn thường xuyên chứng kiến những đám khói bốc lên từ bãi rác lộ thiên, đoạn đối diện với các chung cư Iris Garden, Florence… Những đám khói có màu đen bất thường bay lên bầu trời, lan rộng ra toàn khu vực khiến các hộ dân sống tại đây cảm thấy ngột ngạt. Tình trạng đốt rác này tồn tại từ nhiều tháng qua, mỗi tuần 2-3 lần đủ các loại rác độc hại như ni lông, lốp xe, sofa cũ …

Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, gần đây người dân sống tại chung cư Epic's Home ở ngõ 43 Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2 liên tục bị tra tấn bởi những đám khói bốc lên từ các bãi đất trống xung quanh toà nhà. Một số hộ dân phát hiện các đối tượng đốt rác xen lẫn vải vụn, nhựa, bao tải…

Tình trạng đốt rác cũng nhức nhối tại đường Hoàng Minh Thảo, đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng. Tại đây, rác thải bị ném la liệt, nhìn rất phản cảm. Người dân trong khu vực cho biết, tối nào cũng xảy ra tình trạng đốt rác, trong đó có rác thải sinh hoạt, phế liệu, đồ đạc cũ hỏng, vải vụn...

Trả lời báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Mạnh Cường, cho biết: Phường có nhiều hộ làm nghề may. Các hộ này thường thuê người thu gom đồng nát mang vải vụn đi đổ. Những người này thường mang vải đến các bãi rác, đất trống để đổ rồi đốt. Hiện nay, lực lượng công an phường đã làm việc với các hộ làm nghề may, quán triệt không thuê người đổ vải vụn mà phải mang đến điểm tập kết rác của phường. Lực lượng chức năng sẽ ra quân xử lý vi phạm về môi trường, cắm biển cấm, đồng thời mật phục, bắt quả tang các trường hợp đốt rác để xử lý.

Ông Cường cho biết, trên địa bàn phường hiện có hai điểm tập kết rác thải sinh hoạt, một ở mặt đường Cầu Noi, diện tích khoảng 160m2 và ở số 74 đường Tăng Thiết Giáp.

Trước tình trạng đốt rác tràn lan hiện nay, ngày 13-11-2024, UBND phường Cổ Nhuế 2 đã có văn bản gửi Trung tâm phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm đề xuất hai vị trí đất cho mục đích làm bãi tập kết, trung chuyển, xử lý phế thải, chất thải rắn xây dựng và bãi tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Cụ thể, một vị trí ở cuối đường từ Trường Đại học Mỏ đi khu công nghiệp Nam Thăng Long, diện tích khoảng 1.500m2. Vị trí còn lại ở cuối đường Bờ Cả, tổ dân phố Viên 3, diện tích khoảng 5.000m2.

“Sau khi đề xuất hai địa điểm, quận sẽ báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội đồng ý chủ trương để các đơn vị thực hiện tập kết thu gom, phân loại rác để đưa đi xử lý. Nếu hai điểm tập kết này hoạt động thì sẽ chấm dứt được tình trạng đổ và đốt rác trộm tại các vị trí đất trống trên địa bàn”, ông Cường chia sẻ.

Còn rất nhiều nơi trên địa bàn thành phố có tình trạng đốt rác tùy tiện khiến chỉ số ô nhiễm môi trường ở mức báo động. Nhiều phong trào dập lửa, nhiều cuộc vận động, tuyên truyền tới từng hộ dân không đốt rác đã diễn ra nhưng tình hình chỉ được cải thiện ít ngày rồi lại như cũ.

Trong khi đó, mức xử phạt với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu dân cư, nơi công cộng tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ chỉ từ 1-2 triệu đồng. Tuy vậy, các lực lượng vẫn rất khó bắt quả tang, do các đối tượng đốt về đêm và ở nơi vắng người.

Thiết nghĩ, điều cần thiết hiện nay là sự quyết tâm ngăn chặn hành động xả khói độc vào môi trường và cần sự bắt tay của chính người dân với chính quyền địa phương, có như vậy thì môi trường mới được cải thiện và người dân mới đúng là tự cứu chính mình.